Post by Admin on Dec 19, 2014 12:39:28 GMT 9.5
Từ hằng chục thế kỷ từ xưa nay trong Giáo Hội, người Công giáo hằng đọc lời kinh Kính mừng Maria của Thiên Thần Gabriel chào Đức Mẹ Maria, như lời ca ngợi và cầu nguyện.
Tâm tình ca ngợi Đức Mẹ Maria, người mẹ đầy lòng tin vào Chúa, còn được diễn tả dưới nhiều ca ví như ngôi sao lấp lánh trên nền trời, như vầng trăng, như dòng suối nước trong, như bông hoa hồng tươi thắm, như người mẹ đầy tình thương yêu…
Và đó đây ở nhà riêng cũng như nơi các Thánh đường, nhất là những nơi hành hương kính viếng Đức Mẹ, khắp nơi đều có bàn thờ với tượng Đức Mẹ Maria dưới nhiều chân dung, nhiều tên gọi khác nhau, cùng với bông hoa nến trưng bày rực rỡ.
Điều này nói lên niềm tin tưởng của tâm tình lòng đạo đức “ qua đức Mẹ Maria đến với Thiên Chúa”.
Đức Mẹ có tên gọi là Maria. Nhưng trong Kinh Thánh đức Mẹ Maria lại được gọi bằng nhiều danh hiệu khác nữa. Những tên gọi khác nhau đó đi đôi với những hoàn cảnh chân dung diễn tả về người mẹ đầy lòng tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa.
Khi Thiên Thần Gabriel đến gặp Maria báo tin Chúa Giêsu xuống thế làm người trong cung lòng Maria. Maria trở thành Mẹ Chúa Giêsu.
Lúc đi đến thăm viếng người chị họ Elisabeth, Maria được người chị họ Elisabeth xưng tụng là mẹ Thiên Chúa.
Rồi người Mẹ Maria đó sinh hạ trẻ Giêsu trong hang chuồng súc vật ngoài cánh đồng Bethlehem, đem trẻ Giêsu trốn định cư sang nước Ai cập. Cũng người mẹ Maria đó nuôi dưỡng Chúa Giêsu khôn lớn đã lo âu hồi hộp tìm trẻ Giêsu con mình đi lạc trong đền thờ dịp hành hương.
Chính người mẹ Maria đó đã đau khổ cùng đi theo dõi Chúa Giêsu, con mình bị kết án chịu khổ hình. Giờ phút cuối cùng người Mẹ Maria đó đã đứng dưới chân Thập giá, nơi chúa Giêsu, con mình bị đóng đinh, chết tức tưởi trên đó.
Cũng chính người Mẹ Maria đó đã bồng ẵm thân xác Chúa Giêsu, con mình, lúc thân xác Chúa Giêsu được tháo gỡ khỏi thập gía và đem đặt chôn trong mộ dưới lòng đất.
Trong dòng lịch sử lòng đạo đức, đức Mẹ Maria lại được đặt hay diễn tả bằng những danh hiệu tên gọi khác nữa, tùy theo hoàn cảnh, nhất là tùy vào ý nghĩa đạo đức: như Đức mẹ bầu chữa kẻ có tội, Đức mẹ an ủi kẻ âu lo, Nữ vương hòa bình, đức Mẹ phù hộ các giáo hữu, đức Mẹ ban ơn lành, đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, đức mẹ của người nghèo, đức mẹ đức Mẹ Lộ đức, đức mẹ Fatima, đức mẹ Lavang, đức mẹ hồn xác lên trời…
Đức Mẹ Maria khi xưa là một phụ nữ có đời sống đơn giản, với đầy lòng tin tưởng trọn vẹn vào bàn tay che chở của Thiên Chúa. Chính điểm này Thiên Chúa đã nâng cao đức mẹ lên, như lời Thiên Thần nói với Đức Me: Maria, chị là người được Chúa chúc phúc tuyển chọn làm Mẹ Chúa Giêsu, Đấng Cứu thế trần gian!
Đức Mẹ Maria như thế là hình ảnh người mẹ gần gũi với con người trong đức tin, là người bầu cử, niềm hy vọng trông cậy vào Thiên Chúa cho con người trong cuộc sống khó khăn và nhất là trong giờ sau cùng.
Và cũng vì thế, xưa nay con người với lòng tin tưởng cùng lòng yêu mến đã nhìn diễn tả Đức mẹ Maria với nhiều hình ảnh chân dung khác nhau trong thi ca, văn chương trong thánh ca.
Dẫu thế, không hình ảnh nào, tên gọi nào diễn hết những nét đơn sơ đầy tình yêu mến, cùng cao vời của người Mẹ Thiên Chúa ngày xưa ở trên trần gian và ngày nay đang ở trên trời.
Chỉ có lòng yêu mến trong tương quan đức tin, cùng tình liên đới giữa con người với Đức Mẹ Maria mới cảm nhận ra được vẻ trong sáng như dòng suối nơi Đức Mẹ Maria.
Lm. Nguyễn Ngọc Long