Post by Admin on Dec 16, 2014 14:52:17 GMT 9.5
Điều răn thứ hai trong mười điều răn của Đức Chúa Trời nghiêm cấm việc làm và sấp mình thờ lạy các thần tượng. Tại sao Giáo Hội lại bỏ điều răn ấy?
Giáo Hội Công Giáo đã phân biệt thánh tượng và ngẫu tượng và cho rằng Kinh Thánh chỉ cấm thờ ngẫu tượng. Còn tượng Chúa Giêsu và các thánh thì Kinh Thánh không cấm và Giáo Hội đã đặt các thánh tượng trong các thánh đường, trong các nơi thờ phượng và đeo trong người.
Thời xưa người ta chưa phân biệt ảnh tượng với chính bản thân Thiên Chúa. Vì thế Thiên Chúa cấm vẽ hình, tạc tượng bất cứ vật gì, để tránh cho Dân It-ra-en thờ các tà thần:
"Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.
Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ.
Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương" (Xh 20,3-5).
Tuy nhiên nhiều đoạn văn Kinh thánh cho thấy Thiên Chúa cho phép dùng các ảnh tượng tôn giáo, khi không có nguy hiểm ấy. Ví dụ Thiên Chúa bảo ông Mô-sê hãy làm hai tượng thần hộ-giá đứng trên Hòm bia (Xh 25,18-20), hoặc dựng Nhà Tạm với mười tấm thảm trên đó có thêu những thần hộ-giá rất mỹ thuật (Xh 26,1), hoặc cho đúc con rắn đồng để Dân nhìn lên đó mỗi khi bị rắn cắn (Ds 21,8-9), hoặc cho vua Sa-lô-môn đúc một bể nước: bên dưới bể có hình những trái mướp đắng, và bể được đặt trên tượng 12 con bò! (1 V 7,23-29); trong nơi cực thánh vua cũng làm hai Kê-ru-bim bằng gỗ ô-liu (1 V 6,23-28).
Chúng ta phải biết rằng các giới răn của Giao ước cũ có mục đích huấn luyện con người dần dần như một con trẻ và dẫn đưa con người đến với Đức Kitô (Gl 3,24; 4,1). Một khi Đức Kitô đến, chúng ta phải qui hướng hết tâm hồn về luật mới được trình bày cách đặc biệt trong Bài Giảng trên núi (Mt 5,1-7) và trong Bài Diễn Từ chia tay (Ga 14-17).
Chỉ bằng lòng với Mười Giới Răn của Cựu ước là điều chứng tỏ chúng ta chưa thấy được cái mới mẻ mà Thiên Chúa mang đến cho loài người qua mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu chuộc của Đức Kitô.
Sống dưới thời Tân ước, chúng ta đừng quên rằng dù các giới răn còn được phát biểu dưới những công thức nguyên thủy của Cựu Ước, thì chúng cũng đã mặc một tinh thần mới, vì Đức Kitô đến để hoàn thiện Lề Luật (Mt 5,17). Đàng khác các giới răn này được phát biểu theo một công thức hoàn toàn mới mẻ, đặc biệt giới răn bác ái: "Như Ta đã yêu mến các ngươi, các ngươi cũng hãy yêu mến nhau" (Ga 13,34). Ở đây không còn là "yêu mến đồng loại như chính mình" (Lv 19,18), nhưng là yêu mến đồng loại như Chúa Giêsu yêu họ! Trong tinh thần mới này, hai giới răn khác của Cựu ước cũng đã được hoàn thiện: giới răn giữ ngày Sabbat, và giới răn cấm làm ảnh tượng.
Trước hết, Giáo Hội ngày hôm nay không còn giữ luật ngày Sabbat nữa tức là ngày thứ bảy (Xh 20,8; Lv 23,3). Thay vào đó Giáo Hội mừng ngày của Chúa, ngày Chúa Giêsu sống lại, tức là "ngày thứ nhất trong tuần" (Mc 16,9; Cv 20,7; 1 Cr 16,2). Và không chỉ bằng lòng nghỉ việc theo kiểu người Do thái, Giáo Hội còn muốn dành nhiều thì giờ trong ngày ấy để họp nhau thờ phượng và tạ ơn Thiên Chúa qua Đức Giêsu Phục Sinh. Chính các Tông đồ thay thế ngày Sabbat bằng ngày Chúa nhật, rồi các Công đồng xa xưa nhất cũng đã dạy rõ là Kitô hữu không còn buộc phải giữ ngày Sabbat, và phải xem ngày Chúa nhật trọng đại hơn ngày Sabbat.
Đối với giới răn làm ảnh tượng cũng thế. Trong Cựu ước, Thiên Chúa đã cấm làm ảnh tượng, vì dân Do thái có nguy cơ chạy theo các thần của dân ngoại. Nên khi cấm làm ảnh tượng, Thiên Chúa muốn cấm tôn thờ các thần khác. Nhưng hôm nay Con Thiên Chúa đã làm người để trở nên cho chúng ta "hình ảnh của Thiên Chúa vô hình" (Cl 1,15). Vậy điều mới mẻ của Tân Ước xuất hiện đó: nhân tính hữu hình của Đức Kitô đã trở nên "con đường" để chúng ta tiến tới với Chúa Cha như Đức Giêsu đã nói: "Ta là Đường là Sự Thật và là Sự Sống" (Ga 14,6). Vì thế công đồng Nicêa II (năm 787) đã cho phép các tín hữu làm các ảnh tượng để tưởng niệm tới Chúa Giêsu và các thánh.
Bình thường Giáo Hội không làm ảnh tượng về Thiên Chúa Ba Ngôi nói chung, hay Chúa Cha và Chúa Thánh Thần nói riêng, vì là những Đấng vô hình. Nhưng Giáo Hội làm những ảnh tượng về Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các thánh, là những con người lịch sử, theo như nhu cầu con người sống trong xã hội. Xã hội trần thế vẫn dùng ảnh tượng đối với người thân trong gia đình hay đối với các vị anh hùng dân tộc.
Đàng khác, đối với Giáo Hội, các ảnh tượng tự nó không có giá trị gì, nhưng chỉ có giá trị gợi ý, nên chúng không tạo ra nguy cơ từ bỏ Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Grêgôriô Cả đã nói rõ: "Ảnh tượng đối với người vô học thì cũng như Sách Thánh đối với người biết đọc, vì chính nhờ ảnh tượng mà những người mù chữ có thể thấy được điều họ phải noi gương. Nhờ các ảnh tượng, những người không bao giờ học hành, cũng có thể đọc được" (Epist. 11,13). Các ngôi thánh đường thời Thượng cổ và Trung cổ đầy dẫy những bức tranh và những pho tượng, vì người xưa quan niệm Thánh đường là một quyển Thánh Kinh bằng hình ảnh cho người bình dân. Ngày xưa mấy ai có được một quyển Kinh Thánh viết trên da cừu để suy niệm Lời Chúa hằng ngày?
Vì thế đối với Giáo Hội các ảnh tượng có giá trị huấn luyện. Giáo Hội tôn kính ảnh tượng cũng như tôn kính quyển Kinh Thánh, vì chúng gợi lại những mầu nhiệm của Chúa, cuộc đời của Đức Mẹ và các thánh, để giáo dân suy niệm. Nhưng Giáo Hội không tôn thờ các ảnh tượng cũng như không tôn thờ Đức Mẹ và các thánh: việc thờ phượng chỉ dành riêng cho Thiên Chúa Ba Ngôi mà thôi.
Vậy điều chúng ta phải chú ý là ngày nay không phải việc xử dụng ảnh tượng có thể gây ra nguy cơ bỏ Thiên Chúa, mà là việc con người bị các "ngẫu tượng" hiện tại thu hút: quyền thế, vật chất, tiện nghi, lạc thú... Chính những thứ đó mới làm người ta xa Thiên Chúa, chớ không phải các ảnh tượng.
Norberto